Hiện khu vực biên giới Triều Tiên - Trung Quốc bắt đầu khá căng thẳng khi Trung Quốc thực thi lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng của Liên Hợp Quốc. Giới chức hải quan Trung Quốc ở khu vực biên giới với Triều Tiên cho biết, họ đã bắt đầu chặn các phương tiện chở các sản phẩm từ cá của Triều Tiên sang nước mình. Đây là những điều mà Triều Tiên chắc hẳn không thể ngờ tới một ngày Trung Quốc đánh trực tiếp vào nền kinh tế của mình như vậy.
Các xe tải từ Triều Tiên di chuyển qua cây cầu ở biên giới với Trung Quốc (Ảnh: Kyodo)
NHK ngày 20/8 dẫn các nguồn tin cho biết các xe tải chở các sản phẩm từ cá của Triều Tiên đã không được phép đi qua khu vực biên giới với Trung Quốc. Các xe này đã bị giới chức hải quan Trung Quốc chặn lại ở thành phố Hunchun, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc.
Việc hải quan Trung Quốc chặn các xe chở hàng từ Triều Tiên đã dẫn tới tình trạng tắc nghẽn. Một hàng dài phương tiện đã phải dừng lại trên cây cầu bắc qua sông ngăn biên giới Trung Quốc và Triều Tiên.
Những hình ảnh ghi lại từ khu vực biên giới Trung - Triều cho thấy một người đàn ông đã cầm biểu ngữ với dòng chữ: “Chúng tôi muốn chính phủ Trung Quốc bồi thường thiệt hại”.
Chính phủ Trung Quốc trước đó thông báo sẽ cấm hoàn toàn việc nhập khẩu các mặt hàng hải sản của Triều Tiên. Lệnh cấm này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/8.
Một người dân Trung Quốc đang duy trì quan hệ làm ăn với phía Triều Tiên cho biết công việc kinh doanh của ông đã bị thiệt hại nặng nề vì lệnh cấm nhập khẩu trên. Ông cũng không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo nếu lệnh cấm tiếp tục được duy trì.
Các động thái trên của Trung Quốc được tiến hành sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhất trí thông qua nghị quyết trừng phạt mới đối với Triều Tiên nhằm gây sức ép với Bình Nhưỡng sau một loạt vụ thử tên lửa của nước này.
Nghị quyết trừng phạt mới nhất của Liên Hợp Quốc do Mỹ soạn thảo, trong đó cấm Triều Tiên xuất khẩu than đá, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì và hải sản. Mục đích của lệnh trừng phạt là nhằm khiến kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên giảm 1 tỷ USD, từ đó tiến tới từ bỏ chương trình tên lửa, vũ khí hạt nhân gây tranh cãi.
Therealtz © VietBF