Trung Quốc đang mở rộng và hiện đại hóa vũ khí hạt nhân và sẽ trở thành mối đe dọa đối với tài sản, căn cứ và lực lượng quân sự Mỹ ở Tây Thái Bình Dương trong 10 năm tới.
Báo cáo của Ủy ban đánh giá về Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung của Quốc hội Mỹ hôm 19/11 nhận xét rằng việc Trung Quốc phát triển năng lực vũ khí hạt nhân là rất đáng ngại. Trong 5 năm nữa, Trung Quốc sẽ nhanh chóng mở rộng và hiện đại hóa lực lượng hạt nhân, tạo ra ưu thế về lựa chọn chính sách đối ngoại và quân sự với Mỹ và các nước khác.
Trong vòng 5 năm nữa, Trung Quốc sẽ phát triển các tên lửa đạn đạo dẫn đường di động, 5 tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân, mỗi chiếc có thể chở 12 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), và các ICBM này được trang bị nhiều đầu đạn dẫn hướng độc lập (MIRV), khi khai hỏa, tên lửa mẹ phóng ra nhiều đầu đạn con.
Xe chở tên lửa đạn đạo dẫn đường ICBM của Trung Quốc. Ảnh: Aus Airpower
Theo báo cáo của Lầu Năm Góc năm 2013, Trung Quốc chỉ sở hữu khoảng 50 đến 70 ICBM, tuy nhiên "trong 15 năm tới, số lượng ICBM nước này có thể bằng Mỹ, lên tới hơn 100". Báo cáo cũng cho biết một số nhà phân tích đánh giá Trung Quốc có thể đang che giấu tham vọng hạt nhân có trữ lượng lớn hơn rất nhiều.
Trung Quốc bắt đầu xây dựng căn cứ phòng thủ hạt nhân trên biển từ năm 2007. Ba tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Jin (SSBN) đang được vận hành và dự kiến Trung Quốc sẽ đưa thêm hai chiếc SSBN nữa ra hoạt động năm 2020.
Theo báo cáo, tàu SSBN Jin-2 có khả năng mang tên lửa đạn đạo JL-2 tầm xa 7.400 km khiến Trung Quốc có khả năng "tiến hành tấn công hạt nhân vào Alaska nếu phóng từ vùng biển gần Trung Quốc; tấn công Alaska và Hawaii nếu phóng từ vùng biển phía nam Nhật Bản; và tấn công Alaska, Hawaii, phía tây lục địa Mỹ nếu phóng từ vùng biển phía tây Hawaii; và tấn công toàn bộ 50 tiểu bang của Mỹ nếu được phóng từ vùng biển phía đông Hawaii".
Ngoài tàu ngầm, số lượng tên lửa đạn đạo hạt nhân có khả năng dẫn đường di động của Trung Quốc, như DF-31, đang gia tăng nhanh chóng. Năm 2006, Trung Quốc đã triển khai ICBM DF-31, còn năm 2007, ICBM DF-31A- phiên bản cải tiến hơn, ra đời. Hệ thống dẫn đường di động cho phép rút ngắn thời gian phóng và gây khó khăn cho việc xác định vị trí và tấn công. "DF-31A có tầm bắn tối đa ít nhất 11.199 km, cho phép nó nhắm vào hầu hết các mục tiêu ở lục địa Mỹ".
Trung Quốc đang thử nghiệm một ICBM dẫn đường đi động mới: DF-41, rất có thể được triển khai năm 2015, có thể mang theo 10 MIRV và có tầm xa 11.999 km, "cho phép tấn công toàn bộ mục tiêu ở Mỹ".
"Để đảm bảo an ninh quốc gia trong tương lai, số lượng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc sẽ bằng, hoặc nhiều hơn đôi chút so với mức trung bình các nước sở hữu vũ khí hạt nhân như Anh và Pháp", một chuyên gia an ninh giấu tên của Trung Quốc trao đổi với tờ Thời báo hoàn cầu, một tờ báo chuyên về phân tích quân sự của Trung Quốc.
"Sức mạnh công nghệ hạt nhân của Trung Quốc ngày càng tân tiến và tinh tế, tập trung vào chất lượng hơn số lượng", James Hardy, chuyên gia củaJane's, một tạp chí phân tích công nghiệp quốc phòng và vũ khí quân sự của Anh, đánh giá.
Bức ảnh được cho là Pháo đoàn bộ binh số 2 của nước này đang bắn thử tên lửa đạn đạo thế hệ mới DF- 2. Ảnh: Sina.
Trang mạng của Tiếng nói nước Nga hôm 27/1 có bài viết nhan đề "Vũ khí hạt nhân của Trung Quốc và tình hình châu Á", trong đó chuyên gia Vasily Kashin, Trung tâm phân tích công nghệ và chiến lược Nga, cho rằng trong 10 năm nữa, Trung Quốc có thể triển khai ít nhất 600 đầu đạn hạt nhân. Nếu như lúc trước, vị thế vũ khí hạt nhân của Trung Quốc và các quốc gia như Anh và Pháp là ngang nhau, thì trong tương lai, nước này sẽ vượt qua, bắt kịp Nga và Mỹ.
Nếu xảy ra xung đột quân sự với Trung Quốc, nước Mỹ rất có thể không chỉ mất đi vài thành phố, mà còn phải đối mặt với nguy cơ diệt vong hoàn toàn. Mặc dù từ trước tới nay, Trung Quốc chưa bao giờ khẳng định sẽ chạy đua vị trí cường quốc hạt nhân với Mỹ, chỉ lặng lẽ thực hiện một chiến lược răn đe phù hợp, đảm bảo phản công nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra.
Mỹ dự trữ 4.804 vũ khí hạt nhân tính đến tháng 9/2013, theo Reuters. Trung Quốc không công bố số liệu chính thức về kho hạt nhân của mình.
Bản báo cáo dẫn lại bài của Pei Shen, tác giả bài báo "Lần đầu tiên Trung Quốc có tàu ngầm hạt nhân chiến lược đối phó với Mỹ" đăng trên Global Times, đã mô tả quang cảnh Los Angeles bị JL-2, một ICBM mang MIRV, tấn công.
"Sau khi thành phố bị trúng tên lửa, các bụi phóng xạ của 20 đầu đạn hạt nhân sẽ nhanh chóng bị gió cuốn đi, tạo thành một khu vực ô nhiễm bán kính hàng nghìn km". Xác suất sống sót của người dân trong bán kính 1.200 – 14.00 km bằng 0.
Tuy nhiên, trên tạp chí Chuyên gia của Nga hôm 19/1, chuyên viên cao cấp về nghiên cứu Viễn Đông của Viện Khoa học Nga, ông Oleg Kashin cho rằng "Vũ khí hạt nhân của Trung Quốc chưa đủ để uy hiếp Mỹ, một khi thật sự xảy ra chiến tranh hạt nhân, Trung Quốc không thể cầm cự quá một giờ với Mỹ".
"Tên lửa đạn đạo hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc có tiềm năng đe dọa là DF-31A, vũ khí duy nhất có thể chống lại cuộc tấn công hạt nhân của Mỹ và tiêu diệt những thành phố ven biển Thái Bình Dương của Mỹ. Tuy nhiên, số lượng tên lửa này của Trung Quốc không nhiều, trong khi Mỹ có gần 2.000 tên lửa như vậy", Kashin kết luận.
Hồng Hạnh
Theo VNE