Với tên lửa 79M6 gắn trên tiêm kích đánh chặn nhanh nhất thế giới MiG-31 mọi vệ tinh ở độ cao 600 km bên ngoài trái đất sẽ bị tiêu diệt dễ dàng.
Minh họa cơ chế phóng và diệt vệ tinh của tên lửa đánh chặn 79M6 gắn trên tiêm kích MiG-31D. Đồ họa: Servimg
Sự phát triển mạnh mẽ của các loại vệ tinh gián điệp của đối thủ dẫn đến nhu cầu về một vũ khí có thể tiêu diệt chúng, Russian Military cho biết.
Dẫn đầu chương phát triển vũ khí không gian là Mỹ và Liên Xô. Những năm 1980, Liên Xô đã lên kế hoạch triển khai chương trình chống vệ tinh bằng tên lửa phóng từ tiêm kích đánh chặn MiG-31 Foxhound (Chó săn cáo). Máy bay sửa đổi cho nhiệm vụ chống vệ tinh được chỉ định là MiG-31D.
Chương trình phát triển tên lửa chống vệ tinh được phê duyệt vào năm 1984. Thành phần hệ thống gồm: Trạm vô tuyến-quang học mặt đất phức tạp 45ZH6, tên lửa đánh chặn 79M6 và phương tiện mang phóng.
Trạm vô tuyến được sử dụng để đo thông số của các vệ tinh ngoài quỹ đạo với độ chính xác cao. Trạm được sử dụng như một hệ thống phòng thủ không gian, nhằm cung cấp thông số cho tên lửa để bắn hạ vệ tinh. Tên lửa đánh chặn sử dụng nhiên liệu rắn 3 giai đoạn, có chiều dài 10 m, đường kính 0,74 m, trọng lượng phóng 4,5 tấn.
Biến thể MiG-31D trong một thử nghiệm cho nhiệm vụ chống vệ tinh. Ảnh: Testpilot
Máy bay sẽ đưa tên lửa lên độ cao 15-18 km để phóng. Sau khi tên lửa được phóng đi, máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không A-50 sẽ kết hợp với trạm vô tuyến mặt đất để dẫn đường đến mục tiêu.
Tên lửa có thời gian bay đến đích từ 100 đến 380 giây tùy thuộc vào độ cao của mục tiêu. Một đầu đạn phân mảnh sẽ vô hiệu hóa hoạt động của vệ tinh. Hỏa tiễn có thể diệt vệ tinh ở độ cao từ 120-600 km, giai đoạn 2 của chương trình sẽ đánh chặn các vệ tinh ở độ cao tới 1.500 km.
Theo bản thuyết minh thiết kế, tiêm kích đánh chặn nhanh nhất thế giới trang bị tên lửa 79M6 có thể hạ 24 vệ tinh trong vòng 36 giờ. Nếu thành công, Liên Xô sẽ sở hữu khả năng diệt vệ tinh hàng đầu thế giới.
Năm 1987, hai máy bay sửa đổi cho nhiệm vụ chống vệ tinh mang số hiệu 071 và 072 tiến hành các chuyến bay thử nghiệm, nhưng không có vụ phóng tên lửa diễn ra. Năm 1989, chương trình vũ khí chống vệ tinh bị đình chỉ trước khi quá trình phát triển đạt đến giai đoạn thử nghiệm ban đầu.
Một số chuyên gia quân sự nhận định, khó khăn về kinh tế là lý do khiến chương trình bị hủy bỏ. Năm 2009, Tướng Alexander Nikolayevich Zelin, Tư lệnh Không quân Nga, xác nhận họ đang hồi sinh chương trình vũ khí không gian mới cùng tiêm kích đánh chặn MiG-31.
Một số nguồn tin giấu tên cho biết, trong giai đoạn 2009-2010, quân đội Nga đã phân bổ kinh phí chương trình. Quá trình hồi sinh dự án có thể đã diễn ra trong năm 2012.
theo Zing