VBF-Hiện tại mà nói đến chuyện này quả đúng là điều không tưởng thế nhưng căn cứ vào sự tiến bộ của y học khoa học hiện nay cho tới năm 2105 thì hoàn toàn có thể. Cho đến nay, giới khoa học vẫn cho rằng lão hóa là hậu quả của nhiều yếu tố về di truyền và môi trường cũng như tác động của sự già nua trên con người khác nhau tùy theo cá thể. Lý thuyết về di truyền cho rằng giống như màu tóc và chiều cao, dòng đời mỗi chúng ta chịu ảnh hưởng của các gien di truyền từ cha mẹ.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Thụy Điển tại Viện Karolinska cho rằng, quá trình già nua chịu ảnh hưởng của ty thể ADN được thừa hưởng từ mẹ. Họ phát hiện chuột mẹ truyền cho con đột biến ty thể ADN - vốn tích tụ những yếu tố qua phơi nhiễm từ môi trường khiến dòng đời chuột con ngắn lại.
Theo các nhà khoa học, nhờ tiến bộ y học, vào năm 2150 tuổi thọ trung bình của nhân loại sẽ đạt 150 tuổi. Ảnh minh họa
Mặt khác, tuy những chứng lý về di truyền là vững chắc nhưng tuổi thọ và tuổi già khỏe mạnh còn chịu ảnh hưởng rất lớn từ thói quen và môi trường chúng ta đang sống.
Bên cạnh đó, theo các nhà nghiên cứu, ADN của chúng ta bị tổn hại do phơi nhiễm từ môi trường. Tế bào có khả năng sửa chữa những tổn hại này nhưng không thể sửa chữa hết. Phần lớn thiệt hại nói trên là hậu quả của sự mất cân bằng ôxy hóa, lúc đó cơ thể không có đủ chất chống ôxy hóa để điều chỉnh thiệt hại do các gốc tự do gây ra, dẫn tới tổn hại ADN. Mất cân bằng ôxy hóa bị xem là yếu tố then chốt làm già nua.
Một nguyên nhân chủ yếu khác khiến ADN bị tổn hại là telomere bị ngắn lại. Telomere nằm ở đoạn cuối của dải ADN nhằm bảo vệ nhiễm sắc thể và ngắn lại theo thời gian một cách tự nhiên do tế bào phân chia. Khi telomere quá ngắn không đủ bảo vệ nhiễm sắc thể khiến cơ thể chúng bị tổn hại, dẫn tới lão hóa sớm và bệnh tật phát triển.
Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Anh tại ĐH Cambridge cho thấy hiện tượng telomere ngắn lại do thói quen không lành mạnh và phơi nhiễm từ môi trường cũng truyền lại cho thế hệ sau.
Họ phát hiện rằng chuột trong bụng mẹ được hưởng ít ôxy - thí nghiệm để đối chiếu với trường hợp thai phụ hút thuốc lá - có telomere bẩm sinh ngắn hơn chuột có lượng ôxy cao trong bụng mẹ. Sự thiếu ôxy ở bào thai còn gây bất thường ở mạch máu, dấu hiệu sớm ở lão hóa.
Tuy nhiên theo các nhà khoa học Mỹ, nhờ tiến bộ y học, tuổi thọ trung bình của nhân loại dự báo tăng lên 20-30 năm và đến năm 2150 nhiều khả năng có người đạt 150 tuổi.
Dự báo này của Mỹ dựa trên thực tế nhờ những tiến bộ của khoa học kỹ thuật mà y học đã điều trị tốt hơn các bệnh liên quan đến tuổi già như ung thư, mất trí nhớ và sản xuất các loại thuốc ngăn chặn lão hóa.
Theo Newser, hai giáo sư sinh học Stephen Austad từ Đại học Alabama và S. Jay Olshansky từ Đại học Chicago (Mỹ) đang nghiên cứu tác dụng của thuốc làm chậm lão hóa, trong đó có metformin thường được kê cho bệnh nhân tiểu đường tuýp 2. Thử nghiệm cho thấy một số loại thuốc làm tăng 20-25% tuổi thọ loài chuột và được kỳ vọng sẽ đem lại tác dụng tương tự ở người.
Austad tin tưởng chắc chắn có người chạm mốc 150 tuổi vào năm 2150. Trong khi đó, Olshansky lại cho rằng điều này khó thành hiện thực.
Theo Olshansky, Jeanne Calment (Pháp) được ghi nhận là thọ nhất thế giới cũng mới 122 tuổi khi qua đời vào năm 1997. Dù sao, Austad nhận định tuổi thọ trung bình tăng thêm 25 năm "sẽ ảnh hưởng về con cái, nghề nghiệp cùng nhiều yếu tố chưa thể ngờ trước".