Triệu phú Bryan Johnson, người thường uống 54 viên thuốc vào bữa sáng, bị nhiễm trùng da, chất béo trong máu và lượng đường tăng cao khi dùng thuốc rapamycin để chống lão hóa.
Cứ hai tuần một lần, triệu phú công nghệ 47 tuổi lại dùng 13 miligam thuốc ức chế miễn dịch rapamycin, loại thuốc mà bệnh nhân ghép tạng dùng để ngăn ngừa đào thải nội tạng.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ chưa chấp thuận rapamycin cho liệu pháp chống lão hóa, nhưng các bác sĩ đã kê đơn không theo hướng dẫn trên nhãn vì nó đã được chứng minh là kéo dài tuổi thọ của chuột.
Trong bộ phim tài liệu mới của Netflix có tựa đề Don’t Die: The Man Who Wants to Live Forever, Johnson gọi thói quen sử dụng rapamycin là có tính tác động mạnh nhất. Nhưng không lâu sau khi quay bộ phim tài liệu, anh thú nhận đã ngừng dùng loại thuốc này, cho biết nó có thể gây hại nhiều hơn có lợi.
"Tôi dùng thuốc này vì nó có khả năng mang đến một số lợi ích về tuổi thọ", Johnson nói trong phim. "Đây là loại thuốc mà mọi người trong cộng đồng chống lão hóa rất mong đợi. Nhưng ngoài cộng đồng, nó vẫn được coi là hơi điên rồ", Johnson nói.
Johnson cho biết đã thử nghiệm rapamycin trong gần 5 năm, cho đến cuối tháng 9/2024. Tháng 11/2024, anh nói đã ngừng dùng loại thuốc này.
"Tôi đã thử nghiệm nhiều phác đồ rapamycin khác nhau, bao gồm lịch trình hàng tuần (liều dùng 5, 6 và 10 mg), hai tuần một lần (13 mg) và xen kẽ hàng tuần (6/13 mg), để tối ưu quá trình trẻ hóa và hạn chế tác dụng phụ", Johnson chia sẻ trên X. "Tuy các thử nghiệm tiền lâm sàng có tiềm năng to lớn, nhóm của tôi và tôi đã đi đến kết luận rằng lợi ích của việc dùng rapamycin suốt đời không biện minh cho các tác dụng phụ nghiêm trọng", anh nói thêm.
Johnson cho biết thỉnh thoảng bị nhiễm trùng da và mô mềm, lượng chất béo trong máu bất thường, lượng đường trong máu tăng cao và nhịp tim khi nghỉ ngơi cao hơn.
"Do không xác định được nguyên nhân tiềm ẩn nào khác, chúng tôi nghi ngờ rapamycin, và vì việc điều chỉnh liều lượng không có tác dụng, chúng tôi quyết định ngừng hoàn toàn", Johnson giải thích.
Các chuyên gia y tế xuất hiện trong tập phim tài liệu của Netflix đã đề cập đến mối lo ngại về việc con người sử dụng rapamycin để kéo dài tuổi thọ. "Vì rapamycin ức chế hệ thống miễn dịch, tác dụng phụ có thể bao gồm các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn rất nguy hiểm, chẳng hạn như viêm phổi, viêm mô tế bào hoặc viêm họng", Tiến sĩ Oliver Zolman, một bác sĩ chuyên khoa về tuổi thọ làm việc với Johnson, cho biết.
Tiến sĩ Vadim Gladyshev, giáo sư y khoa tại Trường Y Harvard, cho biết cần có "các thí nghiệm được thiết kế phù hợp" để kiểm tra hiệu quả của rapamycin trong việc làm chậm quá trình lão hóa ở người.
"Sau đó, chúng ta có thể đưa ra kết luận khoa học. Những gì Bryan đang làm không phải là một phương pháp tiếp cận khoa học", Gladyshev nói trong phim tài liệu.
Các nghiên cứu về rapamycin đang được tiến hành. Một nghiên cứu từ Đại học Washington đang đánh giá xem loại thuốc này có thể trẻ hóa sức khỏe răng miệng ở người lớn tuổi hay không. Ngoài ra, các bác sĩ tại NewYork-Presbyterian/Columbia đang nghiên cứu xem liệu rapamycin liều thấp liệu có thể làm chậm quá trình lão hóa buồng trứng. Nghiên cứu dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng 10. Một đại diện của NY-P nói kết quả dự kiến sẽ có ngay sau đó.
Ngoài rapamycin, Johnson đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi ăn bữa cuối lúc 11h sáng, tiếp xúc với liệu pháp sóng xung kích dương vật và trải qua quá trình trao đổi huyết tương nhiều thế hệ với con trai tuổi teen và cha mình.
Khi thay thế huyết tương bằng protein albumin mùa thu năm ngoái, Johnson nói bác sĩ chuyên khoa vận hành máy trao đổi huyết tương đã rất ngạc nhiên vì huyết tương của Johnson rất sạch sẽ.
"Khi chúng tôi hoàn thành, ông ấy không thể vứt phần huyết tương của tôi đi. Ông ấy đã tưởng tượng ra tất cả những điều tốt đẹp mà nó có thể mang lại cho thế giới", Johnson nói.
Bryan Johnson, sinh năm 1977, là doanh nhân người Mỹ, là nhà đầu tư mạo hiểm, nhà văn và tác giả. Anh là người sáng lập, CEO của Kernel, một công ty có thể theo dõi, ghi lại hoạt động của não và OS Fund, một công ty đầu tư mạo hiểm đầu tư vào các công ty khoa học - công nghệ giai đoạn đầu. Anh cũng là người sáng lập, chủ tịch và giám đốc điều hành của Braintree, một công ty chuyên về hệ thống thanh toán di động và web cho các công ty thương mại điện tử.
Vài năm gần đây, Bryan Johnson nổi tiếng với dự án trẻ hóa cơ thể, đầu tư nhiều thiết bị y tế hiện đại cùng một đội ngũ khoảng 30 bác sĩ làm nhiệm vụ theo dõi các chức năng cơ thể và tìm cách đảo ngược quá trình lão hóa.
|
|