Ngày 17.9, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew một lần nữa cảnh báo về việc Quốc hội chờ đến phút chót để nâng trần nợ công, nói rằng một bước đi sai lầm có thể gây tổn hại không thể khắc phục được cho nền kinh tế.
Một người vô gia cư xin tiền trên phố ở San Francisco, California.
Cùng ngày, Giám đốc Phòng Ngân sách Quốc hội Doug Elmendorf cho biết Mỹ có thể bắt đầu bị vỡ nợ vào tháng tới nếu Quốc hội nước này không tăng được mức trần nợ công liên bang.
Nguy cơ vỡ nợ
Tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Jack Lew phát biểu trước Quốc hội rằng chính phủ liên bang sẽ đạt trần nợ 16.700 tỉ USD vào giữa tháng 10, đồng thời thúc giục Quốc hội nới lỏng trần nợ công để tránh đẩy nền kinh tế Mỹ vào cảnh vỡ nợ. Tuy nhiên, các nghị sĩ Đảng Cộng hòa yêu cầu việc tăng trần nợ công phải đi đôi với cắt giảm chi tiêu. Các nghị sĩ Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã không thể nhất trí về kế hoạch ngân sách chính phủ trong năm tài chính 2014, bắt đầu từ ngày 1.10 tới.
Phòng Ngân sách Quốc hội cũng cảnh báo về khoản nợ quốc gia đang ngày càng phình to, sắp vượt trần cho phép 17.400 tỉ USD, mỗi người dân Mỹ đang phải gánh khoản nợ hơn 52.000USD. Riêng nợ công của Mỹ tính đến đầu tháng 4.2013 là 11.959 tỉ USD, chiếm 73% GDP, cao nhất trong lịch sử trừ thời điểm năm 1945. Nếu không có biện pháp khắc phục, đến năm 2038 tổng nợ quốc gia của Mỹ sẽ chiếm 100% GDP.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ không đàm phán với Đảng Cộng hòa về vấn đề nợ công cũng như việc nâng mức trần nợ công. Phát biểu trên kênh truyền hình ABC News, ông Obama nhấn mạnh công việc của các nhà lập pháp tại Quốc hội là cần phải duy trì việc giảm thâm hụt ngân sách song vẫn phải cho phép chính phủ đầu tư vào những lĩnh vực cần thiết như giáo dục, nghiên cứu và cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổng thống cho rằng các nghị sĩ Đảng Cộng hòa đang thiết lập một tiền lệ nguy hiểm khi sử dụng việc nâng trần nợ công để thúc đẩy việc cắt giảm chi tiêu chính phủ.
Nghèo đói tăng dù kinh tế phục hồi
Số liệu của Cục Thống kê Mỹ ngày 17.9 cho biết số lượng người dân Mỹ sống trong nghèo đói tăng nhẹ lên mức 46,5 triệu người trong năm ngoái so với 46,2 triệu người trong năm 2011, một dấu hiệu mới nhất cho thấy sự phục hồi kinh tế được đánh dấu bằng sự bùng nổ của thị trường chứng khoán đã không đến được với dân nghèo. Tỉ lệ hộ nghèo cả nước trong 2011 và 2012 ở mức không đổi là 15%, trong đó những hộ gia đình 4 người có thu nhập 23.492USD/năm được coi là ở ngưỡng nghèo. "Dữ liệu nói trên nhấn mạnh rằng đây là thời điểm để Quốc hội chuyển từ chính sách thắt lưng buộc bụng sang các biện pháp nhằm tạo thêm công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế" - ông Neera Tanden - người đứng đầu Trung tâm vì sự tiến bộ Mỹ tại Washington - cho biết.
Nền kinh tế Mỹ đã phải vật lộn để duy trì tốc độ tăng trưởng hơn 2,5% kể từ khi thời kỳ suy thoái kết thúc. Mặc dù phần lớn trong số hơn 8 triệu việc làm bị mất trong thời kỳ suy thoái đã được khôi phục trở lại, song nhiều công việc trong những ngành dịch vụ như bán lẻ và nhà hàng thường không được trả lương cao.
Chính sách thắt lưng buộc bụng ở Washington nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách của chính phủ đã thu hẹp đáng kể mạng lưới an sinh xã hội. Khoảng 16 triệu trẻ em và gần 4 triệu người từ 65 tuổi trở lên sống trong cảnh nghèo đói trong năm 2012. "Hàng triệu người phải vật lộn để cố không bị mắc nợ, trong khi đó 1% số người giàu lại ăn nên làm ra hơn bao giờ hết" - Phó Chủ tịch Hội An ninh kinh tế gia đình thuộc Trung tâm Luật phụ nữ ở Washington kết luận.
Laodong.com