Thành phố Vladivostok ở Nga là nơi có nhiều người Triều Tiên làm việc. Liên Hợp Quốc đã áp gói trừng phạt mới lên Triều Tiên sau vụ thử tên lửa lần thứ 6. Công nhân Triều Tiên thấp thỏm vì họ sẽ không được gia hạn hợp đồng tại Nga.
Thành phố Vladivostok. Ảnh: CNN.
Tại thành phố cảng Vladivostok, vùng viễn đông nước Nga, hàng nghìn lao động Triều Tiên làm việc ở đây được tiếp cận với thế giới bên ngoài, điều họ không có được tại quê nhà, nơi thông tin bị kiểm soát chặt chẽ.
Nhưng cánh cửa sổ nhỏ nhìn ra thế giới đó có thể sắp bị đóng lại sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua gói trừng phạt mới hôm 11/9 nhằm gia tăng áp lực đối với Triều Tiên vì chương trình vũ khí của nước này, theo CNN.
Nhiều người trong số họ làm việc tại các công trình xây dựng ở Vladivostok, giữa nhiệt độ băng giá của mùa đông và những luồng gió mang hơi muối từ Thái Bình Dương.
Theo các biện pháp trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, họ được phép làm việc cho đến khi kết thúc hợp đồng nhưng sẽ không được gia hạn. Điều đó khiến các công nhân Triều Tiên ở Vladivostok lo ngại.
"Chúng tôi thực sự yêu mến thành phố Vladivostok. Thật tệ nếu tôi không thể làm việc ở đây nữa. Làm việc ở đây rất tốt và giúp tôi có thể gửi tiền về cho con", một công nhân Triều Tiên nói.
Kiếm tiền gửi về cho gia đình
Là điểm dừng cuối cùng của tuyến đường sắt xuyên Siberia, Vladivostok nằm ở điểm cực đông của Nga và nằm gần biên giới Triều Tiên.
Thành phố này giữ vai trò quan trọng vì đây là nơi trú đóng của Hạm đội Thái Bình Dương thuộc hải quân Nga và là nơi tổ chức Diễn đàn Kinh tế phương Đông hàng năm nhằm kêu gọi nước ngoài đầu tư vào vùng viễn đông của Nga.
Vị trí của Vladivostok. Đồ họa: BBC.
Đối với người Triều Tiên làm việc tại đây, Vladivostok mang lại nguồn tiền để họ gửi về cho gia đình, mặc dù họ phải nộp một khoản đáng kể cho chính phủ.
"Những người lao động Triều Tiên này rất chăm chỉ và thái độ rất tốt. Họ không nghỉ giải lao nhiều và không nghỉ ngơi để hút thuốc thường xuyên, cũng không lẩn tránh nhiệm vụ", thông tin trên trang web của một công ty quảng cáo dịch vụ lao động Triều Tiên có đoạn viết. Kèm theo lời quảng cáo này là những ảnh những nhóm lao động Triều Tiên và các ông chủ đang tươi cười.
Trong khi cảnh báo sẽ có một số vấn đề về bất đồng ngôn ngữ, trang web này khẳng định: "Không giống như người Nga, người Triều Tiên làm việc rất có chất lượng với mức tiền công hợp lý".
Lao động Triều Tiên đến thành phố Vladivostok theo thị thực lao động có thời hạn 5 năm, sau đó, họ sẽ được luân chuyển để những công nhân mới thế chỗ. Các công nhân cho biết hàng tháng, họ phải trả một khoản phí cho người môi giới đã giúp họ đến Nga tìm việc.
Một người đàn ông Triều Tiên đã sống 4 năm tại Vladivostok cho biết ngày nào ông cũng làm việc, kể cả cuối tuần và dành phần lớn thời gian ở công trường hoặc ở căn ký túc xá hai tầng mà ông sống chung với hàng chục người đồng hương. "Họ trả lương cho chúng tối rất tốt. Tôi có đủ tiền để gửi về cho vợ và hai con trai", ông chia sẻ.
Những công nhân Triều Tiên khác kém may mắn hơn. Một quản lý giám sát công trình người Nga nói với CNN rằng lao động Triều Tiên làm việc cho ông thường ngủ và ăn luôn tại công trường xây dựng. Họ phải nộp hầu hết thu nhập cho môi giới nên họ chỉ còn 5.000 rúp, tức khoảng 90 USD mỗi tháng để trang trải chi phí sinh hoạt và gửi về cho gia đình.
Không một công nhân nào được phép trở về Triều Tiên thăm gia đình trong quãng thời gian làm việc 5 năm theo hợp đồng.
"Phụ nữ không được phép đến đây làm việc. Tôi không hiểu lý do chính xác nhưng đó là luật của Triều Tiên", một công nhân nói.
Không được gia hạn hợp đồng
Theo gói trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, công dân Triều Tiên làm việc ở nước ngoài sẽ được phép làm việc cho đến khi kết thúc hợp đồng lao động nhưng không được gia hạn hợp đồng.
Tuyên bố của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh: "Quy định mà chúng tôi thông qua ngày hôm nay sẽ chặn nguồn thu nửa tỷ USD mỗi năm mà chính phủ Triều Tiên lấy từ thu nhập của 100.000 công dân lao động trên thế giới".
Dù Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ trích việc Mỹ gia tăng sức ép đối với Triều Tiên, Moscow vẫn bỏ phiếu cho gói trừng phạt mới. Sau cuộc bỏ phiếu, đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia nói rằng Nga "không công nhận Triều Tiên là cường quốc hạt nhân".
Tại Vladivostok, người dân Nga ủng hộ lời kêu gọi trước đó của Tổng thống Putin về việc thúc đẩy đối thoại và quay trở lại bàn đàm phán để ngăn tình hình trên bán đảo Triều Tiên chuyển biến xấu hơn.
Một con phà của Vladimir Baranov. Ảnh: CNN.
Doanh nhân Vladimir Baranov, người sở hữu dịch vụ vận chuyển phà giữa Triều Tiên và thành phố Vladivostok, chỉ trích mạnh mẽ những lời lẽ đe dọa của Mỹ trước cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.
"Tốt hơn là đừng nói đến chiến tranh", ông nói khi cảnh báo bất kỳ xung đột nào trong khu vực cũng có thể dễ dàng leo thang và vượt tầm kiểm soát.
Kể từ khi bắt đầu hoạt động từ hồi tháng 5, dịch vụ phà của Baranov đã thực hiện 14 chuyến vận chuyển giữa Vladivostok và Triều Tiên. Tuy nhiên, ông cho biết đang tạm ngưng dịch vụ vì vướng vào tranh chấp với một công ty tư nhân khác.
Doanh nhân này nói rằng ông muốn góp phần cải thiện mối quan hệ chính trị giữa Nga với Triều Tiên thông qua dịch vụ phà và "ngoại giao nhân dân".
"Điều này không mang lại cho tôi nhiều triệu USD nhưng sẽ mang lại những điều tốt đẹp và sự thoải mái cho một số người. Hợp tác kinh tế là một phần của giải pháp này. Đây là con đường đi đến hòa bình", ông nói.
Việc kinh doanh của Baranov chịu tổn thất vì quan hệ ngày càng xấu giữa Mỹ và Triều Tiên. Ông phải hủy một chuyến phà chở đầy du khách Mỹ đến Triều Tiên vì Washington đã cấm công dân du lịch đến nước này.
Ngoài dịch vụ phà của Baranov và các chuyến bay của hãng hàng không nhà nước Triều Tiên Air Koryo, phương tiện kết nối còn lại là chuyến tàu hoạt động không thường xuyên từ Bình Nhưỡng đến thị trấn Khasan, cách Vladivostok 120 km về phía nam.
Một chuyến tàu gần đây chỉ có lác đác khách. Đối với các công nhân Triều Tiên ở Vladivostok, đó là dấu hiệu cho thấy cánh cửa mở ra thế giới bên ngoài và con đường dẫn đến nguồn tiền họ cần đang dần đóng lại.