Trung Quốc hôm thứ Tư ngày 15/8 đã bày tỏ sự phản đối nghiêm khắc với Nhật Bản về việc nước này bắt giữ một nhóm các nhà hoạt đ̣ông đang tìm cách tiếp cận quần đảo đang có tranh chấp chủ quyền trên Biển Hoa Đông.
Đây là lần đầu tiên phía Trung Quốc có người lên được đảo tranh chấp để cắm cờ
Trước đó, một nhóm cảm tình viên với đại lục đã xuất phát từ Hong Kong trên một chiếc tàu cá hướng về phía một quần đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư còn Nhật Bản gọi là Senkaku để khẳng định chủ quyền.
Triệu khẩn đại sứ
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh đã triệu tập khẩn cấp Đại sứ Nhật tại Bắc Kinh là Uichiro Niwa cũng như gọi điện cho người tương nhiệm Nhật của bà là Tsuyoshi Yamaguchi để phản đối.
Bà Phó một lần nữa lặp lại chủ quyền của Bắc Kinh đối với quần đảo trên và yêu cầu phía Nhật bảo đảm an toàn cho công dân Trung Quốc cũng như thả tự do cho họ ‘ngay lập tức và vô điều kiện’, hãng tin Tân Hoa Xã cho biết.
Sau Trung Quốc, đến lượt Đài Loan cũng đã lên tiếng đòi Nhật Bản thả những người bị bắt giữ.
Bộ Ngoại giao Đài Loan ra thông cáo báo chí hôm thứ Năm ngày 16/8 yêu cầu Nhật ‘trả tự do cho những nhà hoạt động càng sớm càng tốt để làm giảm căng thẳng và duy trì ổn định khu vực’, hãng tin Pháp AFP cho biết.
Bộ Ngoại giao Đài Loan cũng nhấn mạnh họ có chủ quyền với chuỗi đảo tranh chấp.
Lương Chấn Anh, đặc khu trưởng Hong Kong cũng đã triệu tập tổng lãnh sự Nhật Bản để hối thúc phía Nhật sớm trả tự do cho 14 người mà ông mô tả là 'nhân sĩ bảo vệ đảo Điếu Ngư'.
Ngay sau khi xảy ra vụ bắt giữ, Hong Kong đã cử người đến Tokyo để phối hợp với Đại sứ quán Trung Quốc ở đây giải quyết vấn đề.
Ông Lương nhấn mạnh rằng 'đảo Điếu Ngư từ xưa đến nay là lãnh thổ của Trung Quốc'. Ông yêu cầu chính phủ Nhật Bản không được gây nguy hại đến an toàn tính mạng và tài sản của các công dân Hong Kong cũng như công dân Trung Quốc.
Về phần mình, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Osamu Fujimura cho biết nước ông cũng bày tỏ phản đối Trung Quốc qua con đường ngoại giao trong khi Thủ tướng Yoshihiko Noda nói với báo chí rằng ông sẽ giải quyết vụ việc ‘một cách nghiêm khắc trong khuôn khổ pháp luật’.
Trong khi đó, Hoa Kỳ đã lên tiếng kêu gọi các bên tránh ‘khiêu khích’ hôm thứ Tư ngày 15/8 sau khi có tin về vụ bắt giữ.
“Chúng tôi mong các bên có tranh chấp giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình,” người phát ngôn Bộ ngoại giao nước này Victoria Nuland phát biểu, “Bất cứ hình thức khiêu khích nào cũng không có ích gì trong vấn đề này.”
Bà Nuland cũng lặp lại rằng Hoa Kỳ không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền ở Senkaku/Điếu Ngư.
Nhật sẽ trục xuất?
Trong lúc này, cảnh sát Nhật đã chuyển những người bị bắt giữ đến đảo Okinawa để thẩm vấn.
Tổng cộng có 14 người trên chiếc tàu cá cắm cờ Trung Quốc, trong đó có cả nhà báo.
Khi gần đến được đảo tranh chấp, một vài người trên tàu đã nhảy xuống biển để bơi lên đảo. Năm người mang theo cờ Trung Quốc lên được đảo đã được đưa đến Naha ở Okinawa và những người còn lại cũng sẽ được đưa đến sau, truyền thông Nhật cho biết.
Hãng tin Anh Reuters dẫn lời Đài truyền hình NHK của Nhật cho biết những người bị bắt có thể bị trục xuất nếu phía Nhật xác định rằng họ ‘không làm gì khác phi pháp’.
Trung-Nhật lâu nay vẫn căng thẳng về tranh chấp biển đảo
“Họ có thể được giao cho Cục xuất nhập cảnh Nhật Bản và trả về Hong Kong,” người phát ngôn lực lượng tuần duyên Nhật được truyền thông Trung Quốc dẫn lời cho biết vào tối ngày 15/8.
Những người này, thuộc Ủy ban hành động bảo vệ Điếu Ngư Đảo, đã dong tàu ra khơi hôm Chủ nhật ngày 12/8. Khi gần đến đảo tranh chấp, chiếc tàu cá này đã bị tàu của tuần duyên Nhật bao vây.
Bảy người trên tàu đã nhảy khỏi tàu để bơi đến đảo. Năm người bị bắt khi họ lên đến đảo trong khi hai người còn lại bơi trở lại tàu và sau đó cũng bị bắt cùng với những người còn lại trên tàu về tội ‘xâm nhập bất hợp pháp’.
Không muốn căng thẳng
Đây là lần đầu tiên có người không phải công dân Nhật lên được các hòn đảo tranh chấp này kể từ năm 2004.
Tân Hoa Xã cho biết trong cuộc thẩm vấn những người này đã phủ nhận họ ‘xâm nhập trái phép lãnh thổ Nhật Bản’ và nói rằng ‘Điếu Ngư Đảo là lãnh thổ Trung Quốc’.
Khoảng 30 người đã biểu tình bên ngoài Lãnh sự quán Nhật tại Hong Kong, hô các khẩu hiệu chống Nhật và yêu cầu thả những nhà hoạt động bị bắt giữ.
“Nhật Bản không có quyền bắt giữ công dân Trung Quốc trên lãnh thổ thuộc về về Trung Quốc,” dân biểu Hong Kong Yip Kwok-him nói với Reuters.
Các nhà phân tích cho rằng với sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế chặt chẽ hơn bao giờ hết, Tokyo và Bắc Kinh đều không muốn lặp lại cuộc cãi vã gay gắt hai năm trước đây sau khi phía Nhật bắt giữ thuyền trưởng một tàu cá Trung Quốc vốn đâm tàu vào tàu tuần tra của Nhật ở gần khu vực tranh chấp.
Khi đó, Trung Quốc đã cấm xuất khẩu đất hiếm, vốn rất cần để sản xuất linh kiện điện tử, sang Nhật.
“Hai nước sẽ không có lợi ích gì nếu tiếp tục đối đầu,” ông Akio Takahara, một chuyên gia về quan hệ Trung-Nhật của Đại học Tokyo, nhận định.
“Ý định thật sự của họ là ổn định tình hình càng sớm càng tốt,” ông nói, “Nhưng khi đụng đến các vấn đề dân tộc chủ nghĩa thì có những điều mà các chính trị gia không thể kiểm soát.”
Theo bbc