Hoa Kỳ đã sẵn sàng cho cuộc chiến ở Biển Đông, đã tập trận và rất nhiều tàu thuyền chiến đấu sẵn sàng. Tại Philippines những ghi nhận cho thấy Mỹ không sợ Trung Quốc. Cùng vietbf.com khám phá thêm.
MANILA (NV) - Đó là tuyên bố của Đô Đốc Scott Swift, Tư Lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ tại một cuộc họp báo ở Manila, thủ đô Philippines.
Một đơn vị TQLC Mỹ bắt đầu vào vị trí tập trận ngày 21 Tháng Tư, 2015 trên bờ biển Phi Luật Tân đối diện với bãi cạn Scarbourough đang tranh chấp giữa Phi và Trung Quốc. (Hình: Ted Aljibe/AFP/Getty Images)
Đô Đốc Swift đang ở Philippines, nơi dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, sau khi được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương hồi Tháng Năm vừa qua.
bộ chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương đặt tại Trân Châu Cảng, Hawaii. Đây là hạm đội có quy mô lớn nhất trong số các hạm đội hải quân trên thế giới. Hạm đội Thái Bình Dương hiện có khoảng 200 chiến hạm và tàu ngầm, khoảng 1,100 phi cơ các loại và khoảng 140,000 lính, nhân viên dân sự. Phạm vi trách nhiệm của hạm đội Thái Bình Dương chiếm khoảng một nửa bề mặt trái đất, nơi có khoảng một nửa dân số trên thế giới sinh sống.
Trong cuộc trò chuyện với báo giới tại Manila, Đô Đốc Swift nhấn mạnh rằng ông rất hài lòng với các nguồn lực mà ông hiện có. Cũng vì vậy, ông khẳng định, hạm đội Thái Bình Dương đã sẵn sàng ứng phó với tất cả các tình huống bất ngờ ở Biển Đông.
Trước những câu hỏi liên quan đến nguồn lực mà Hoa Kỳ dành cho Biển Đông, Đô Đốc Swift nhận định, những thắc mắc về mức độ lâu dài của các cam kết về sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Biển Đông cũng như dự định của hạm đội Thái Bình Dương cho thấy tâm trạng bất an trong khu vực.
Đô Đốc Swift khẳng định, Hoa Kỳ có thể triển khai nhiều hơn số chiến hạm hiện có tại khu vực Biển Đông. Hạm đội Thái Bình Dương hiện có bốn chiến hạm túc trực ở khu vực này.
Tư Lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương mong muốn mở rộng các cuộc tập trận thường niên giữa Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực thành một cuộc tập trận đa quốc gia với sự tham gia của Nhật. Ông bảo rằng, trong chuyện tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, Hoa Kỳ không nghiêng về bên nào nhưng sẽ tìm mọi cách để bảo vệ tự do hàng hải bởi “không ủng hộ việc sử dụng vũ lực hay chiến thuật ép buộc.”
Đô Đốc Swift cho rằng, do các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp nằm trong khu vực tranh chấp về chủ quyền nên sẽ không thể cản trợ các hoạt động của Hoa Kỳ trong khu vực này.
Cũng liên quan đến biển Đông, cuối tuần qua, khi điều trần trước Ủy Ban Đối Ngoại của Hạ Viện Hoa Kỳ, ông Walter Lohman - một chuyên gia an ninh hiện là giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Á Châu của quỹ Heritage, đề nghị Quốc Hội Hoa Kỳ tuyên bố rằng, an ninh của những hòn đảo và bãi san hô mà Philippines đang kiểm soát tại biển Đông nằm trong phạm vi áp dụng của Hiệp Ước Phòng Thủ Chung Hoa Kỳ-Philippines.
Hoa Kỳ từng nhiều lần đưa ra tuyên bố tương tự về Senkaku - quần đảo do Nhật kiểm soát và Trung Quốc đang đòi chủ quyền nhưng chưa làm như vậy đối với những hòn đảo và bãi san hô do Philippines kiểm soát ở Biển Đông.
Ông Lohman cho rằng, đã tới lúc Hoa Kỳ cung cấp sự bảo đảm đó cho Philippines, một đồng minh thân thiết với Hoa Kỳ ở Châu Á. Đồng thời Hoa Kỳ nên gia tăng viện trợ quân sự cho Philippines. (G.Đ)