Về vườn quốc gia Bến En, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) chúng ta vẫn thường nghe câu chuyện của người dân trong vùng về cây lim xanh hàng nghìn năm tuổi vẫn đứng sừng sững giữa núi rừng... Tò mò khi nghe những câu chuyện về một cây lim cổ thụ có tuổi thọ hàng nghìn năm tuổi, chúng tôi đã quyết định tìm về Vườn quốc gia Bến En, thuộc địa bàn huyện Như Thanh (Thanh Hóa) để tận mắt chứng kiến cây lim với những điều kỳ bí về nó.
Cây lim xanh nghìn năm tuổi còn sót lại Sau khi nghe chúng tôi trình bày, ông Lê Xuân Cải, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm, Vườn quốc gia Bến En cùng một số cán bộ của Hạt dẫn chúng tôi đi thăm cây lim cổ thụ trong Vườn. Sau khoảng 30 phút đi bộ từ Trạm kiểm lâm Xuân Lý, Vườn quốc gia Bến En, trước mắt chúng tôi đã hiện ra một cây cổ thụ sừng sững giữa đại ngàn xanh thẳm.
Vừa đi, cán bộ kiểm lâm của Vườn vừa chỉ tay về hướng cây cổ thụ phía trước cho biết: “Cây cổ thụ trước mặt là cây lim mà người dân quanh vùng này vẫn thường kể đấy. Nó là cây lim thuộc nhóm lim xanh quý hiếm còn tồn tại ở Thanh Hoá cũng như trên cả nước và cả ở khu vực Đông Nam Á nữa đấy”.
Để bảo vệ báu vật qúy này, cán bộ bảo vệ rừng nơi đây phải rất vất vả Cây lim này có từ khi nào không ai có thể biết tường tận. Theo nhận định của cán bộ kiểm lâm và những người dân quanh vùng thì nó đã có tuổi đời phải đến hàng nghìn năm. Cán bộ bảo vệ rừng và người dân nơi đây vẫn thường coi đây là “báu vật” của rừng còn sót lại sau những vụ tàn phá rừng trước đây.
Nhìn từ xa, cây lim cổ thụ đứng trơ trọi giữa một khoảng trống. Cây cao khoảng 50m, thân thẳng tắp vươn lên nền trời; đường kính của thân cây khoảng hơn 2m. Lớp vỏ cây sần sùi qua năm tháng.
Bởi giá trị của cây lim xanh nghìn năm tuổi này mà có không ít kẻ nhiều lần có ý định đốn hạ cây nhưng đều bất thành trước sự bảo vệ nghiêm ngặt của lực lượng bảo vệ Vườn quốc gia Bến En.
Đã được đưa vào danh sách bảo vệ nghiêm ngặt
Nhung nhiều đối tượng vẫn luôn rình rập để đốn hạ (Ảnh: Vết thương trên thân cây) Chỉ tay vào “vết thương” ở gốc cây lim, anh Lê Xuân Thái, cán bộ kỹ thuật Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Bến En cho biết: “Cách đây khoảng hơn chục năm, lợi dụng lúc những người bảo vệ khu rừng này đang ăn cơm chiều, một số đối tượng đã vào rừng để cưa trộm cây. Khi nhận được thông tin, Ban quản lý rừng đã huy động lực lượng khoảng gần 20 anh em vào hiện trường để ngăn chặn. Nhưng nghe nói các đối tượng vẫn lì lợm tiếp tục cưa. Phải đến khi có sự can thiệp của chính quyền địa phương và Công an huyện Như Thanh các đối tượng mới chịu dừng lại nên cây lim mới tồn tại được đến ngày hôm nay”.
Tuy nhiên, những “vết thương” sau nhiều lần bị các đối tượng “lâm tặc” tác động vẫn còn hiện rõ phía ngoài thân cây khiến nhiều người lo lắng đến tuổi thọ của cây đại thụ này.
Đây là một nguồn gen quý cho công tác nghiên cứu nhằm tái sinh lại loài lim quý này Theo đánh giá của cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Bến En thì cây lim này được xem như là báu vật của những người nghiên cứu rừng. Bởi đây là giống lim xanh quý hiếm, loài lim này duy nhất chỉ có ở Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á. Tình trạng chặt phá rừng tràn lan những thập niên 90 của thế ký trước đã khiến loài lim này đang đứng trước nguy cơ bị xoá sổ.
Đứng cạnh gốc cây, nhìn những vết thương còn hằn in trên thân cây, anh Lê Xuân Thái nói: “Cây lin cổ thụ này là một nguồn gen quý giúp cho việc nghiên cứu và hồi sinh lại rừng lim xanh đang dần thành hiện thực. Trong những năm qua, ban quản lý Vườn đã thu nhặt hạt lim về ươm và đã trồng được 5 héc ta lim giống xanh tốt”.
Để bảo vệ báu vật của rừng này, Ban quản lý rừng đặc dụng Bến En đã cử cán bộ thường xuyên tuần tra, túc trực. Đã có những câu chuyện kỳ bí về cây đại thụ này, và cả những người đã từng đặt lưỡi cưa vào gốc cây hòng đốn hạ giờ cũng phải rùng mình khi nghĩ lại việc có ý định đốn cây.
Ông Nguyễn Văn Bông, người trước đây đã từng có lần định cắt trộm cây lim kể lại: “Có lần tôi và một số người nữa đem cưa lên, nhưng khi mới vừa phát quang được một khoảng nhỏ xung quanh gốc cây, chưa kịp cưa thì bất ngờ một đàn ong phải đến hàng nghìn con từ trên ngọn cây lao xuống. Thấy vậy chúng tôi liền bỏ cả cưa và các dụng cụ tháo chạy toán loạn. Cũng từ đó, chúng tôi không dám quay trở lại chặt cây lim nữa”.
Thân cây có đường kính hơn 2m
Chứng kiến cây lim xanh sừng sững giữa rừng này, khó ai thấu hiểu quá trình bảo vệ cây cô cùng vất vả của lực lượng kiểm lâm. Vì một cây lim xanh nghìn năm tuổi, các cán bộ bảo vệ rừng đang phải đánh đổi bằng mồ hôi và máu!
Phú Nhuận - Duy Tuyên
theo dantri