Liên Hợp quốc và Mỹ đang dùng cách đẩy Triều Tiên vào "bước đường cùng" nhằm cô lập làm nước này phải từ bỏ chương trình hạt nhân. Tuy nhiên Tổng thống Nga Vladimir Putin lại cho rằng không nên làm như vậy bởi hậu quả khó lường nếu Triều Tiên bị dồn vào chân tường. Ông Putin cũng kêu gọi Bình Nhưỡng và Washington kiềm chế và đối thoại để chấm dứt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: RT)
Trong bài phát biểu tại nhóm thảo luận Valdai được tổ chức tại khu nghỉ dưỡng Biển Đen, Sochi (Nga) ngày 19/10, Tổng thống Putin khẳng định Moscow lên án tham vọng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, song nhấn mạnh: “Vấn đề Triều Tiên nên được giải quyết thông qua đối thoại và không nên dồn Bình Nhưỡng tới bước đường cùng”.
Ông Putin cho biết Nga vẫn đang thực hiện nghiêm chỉnh nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Liên Hợp Quốc nhưng cảnh báo cộng đồng quốc tế dù có thích hay không thích chính quyền Bình Nhưỡng thì Triều Tiên vẫn là một quốc gia có chủ quyền.
“Mọi mâu thuẫn phải được giải quyết một cách văn minh. Nga luôn ủng hộ cách tiếp cận này. Chúng tôi tin chắc rằng ngay cả những "nút thắt" phức tạp nhất, như cuộc khủng hoảng ở Syria hay Libya, trên bán đảo Triều Tiên hoặc ngay cả Ukraine cần phải được gỡ rối, chứ không phải là cắt bỏ", ông Putin nói.
Căng thẳng hiện thời trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi Mỹ và Triều Tiên liên tiếp công kích và đe dọa tấn công lẫn nhau về các vấn đề liên quan tới vũ khí hạt nhân. Trong khi, Mỹ chủ trương muốn gây “áp lực tối đa” và cô lập hoàn toàn, thậm chí đã cân nhắc biện pháp quân sự để đối phó Triều Tiên, thì Nga lại chọn cách tiếp cận mềm mỏng, hướng tới đối thoại để giải quyết vấn đề.
Các chuyên gia nhận định, thời gian gần đây Nga đã thể hiện tiếng nói mạnh mẽ hơn và vị thế của một quốc gia siêu cường trong các vấn đề của thế giới. Bà Angela Stent, giám đốc Trung tâm Âu Á, Nga và Nghiên cứu Đông Âu tại Đại học Georgetown, nhấn mạnh rằng Nga đã trở thành thế lực mạnh ở Trung Đông, đặc biệt kể từ năm 2015, khi Nga can thiệp quân sự tại Syria theo đề nghị trợ giúp của Tổng thống nước này.
Ông Sergey Kislyak, cựu đại sứ Nga tại Mỹ, không cho rằng Nga đang cố mở rộng vai trò của mình trên trường quốc tế. “Chúng tôi là một quốc gia có quyền tự chủ tự cường, có những lợi thế và chúng tôi sẽ dùng điều đó để bảo vệ họ”, ông Kislyak chia sẻ.
Ông Sergey Karaganov, quan chức thuộc Hội đồng Nga về Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng, cho hay phương Tây không còn chiếm ưu thế tuyệt đối về mặt quân sự nữa mà các có các đối trọng khác đang tham gia vào cuộc đua.
"Giờ đây có một cuộc cạnh tranh công khai", ông nói, và cho biết thêm rằng Nga có thể sử dụng cơ hội này để củng cố vị thế vững chắc hơn một cách có giới hạn. "Chúng tôi sẽ đóng vai trò cân bằng giữa các bên và đảm bảo tình hình an ninh ổn định trên thế giới”, ông Karaganov nói.
VietBF © sưu tập