Nghiên cứu của giáo sư côn trùng học Arnold Van Huis tại Đại học Wageningen ở Hà Lan khuyên người phương Tây nên tập ăn côn trùng như nhiều nước đang phát triển, xem đó là một trong những cách hiệu quả để bảo vệ môi trường và bảo đảm an ninh lương thực.
Theo hãng tin Reuters, các nhà khoa học so sánh mức độ thải chất ô nhiễm gây hiệu ứng nhà kính như methane và nitrous oxide - vốn hâm nóng khí hậu toàn cầu cao hơn carbon dioxide - giữa súc vật nuôi và côn trùng. Chăn nuôi gia súc góp 18% khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Giáo sư Van Huis cho rằng nếu tính theo cân nặng thì so với súc vật nuôi, lượng côn trùng tương đương thải ra ít hơn 80 lần khí methane – một loại khí tác động xấu đến nhiệt độ toàn cầu - 25 lần hơn carbon dioxide, ví dụ như dế thải ra amoniac ít hơn từ 8 – 12 lần so với heo.
Ăn thử món ăn từ côn trùng trong giờ giải lao tại buổi diễn thuyết của giáo sư Arnold Van Huis. Ảnh: REUTERS
Giáo sư Van Huis đã tổ chức diễn thuyết, trưng bày các món ăn từ nhiều loại côn trùng ăn được như dế, châu chấu... thậm chí cả gián. Đồng nghiệp của giáo sư Van Huis là nhà côn trùng học Dennis Oonincx cho biết khoảng 80% dân số trên thế giới từng dùng côn trùng làm thực phẩm. Giáo sư Van Huis nói rằng người châu Á như Thái Lan và Việt Nam ăn dế nhưng người châu Âu không biết thưởng thức. Ông cho biết dế cung cấp 90% protein trong khi thịt bò chỉ chứa từ 40%-70% protein.
Ngoài việc bảo vệ môi trường, thực phẩm từ côn trùng cũng góp phần bảo đảm nguồn an ninh lương thực trên thế giới. Chăn nuôi gia súc tốn nhiều lương thực, chiếm đất nông nghiệp và đắt tiền hơn nuôi côn trùng gấp nhiều lần.
Theo NLD