Người bị tiểu đường lâu năm rất dễ biến chứng loét bàn chân. Nếu không điều trị đúng cách thì không thể khỏi được, có người phải cắt cả chân để bảo toàn tính mạng. Dưới đây là một số liệu pháp điều trị tại nhà nếu ở giai đoạn đầu rất hiệu quả.
Mật ong và lô hội
Vấn đề phổ biến nhất khi bị loét chân là máu không thể tiếp cận đúng mức tới bàn chân, khiến các hợp chất chống nhiễm trùng không thể bảo vệ cơ thể khỏi vết loét do tiểu đường.
Mật ong là cách điều trị phổ biến nhất đối với các bệnh về chân do tiểu đường vì có đặc tính kháng khuẩn, kháng vi rút, chống viêm và chống ô xy hóa. Những chất này có thể chống vi trùng, tăng cường bảo vệ miễn dịch và ngăn ngừa nhiễm trùng. Theo trang tin natural-homeremedies.org, nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Wisconsin (Mỹ) cho thấy thoa mật ong lên vết loét giúp vết thương mau lành.
Lô hội (nha đam) cũng điều trị loét chân do tiểu đường hiệu quả nhờ có đặc tính chống viêm, kháng khuẩn và giảm đau. Thoa chiết xuất gel lô hội lên vết viêm loét có thể làm giảm đau và khó chịu.
Nghiên cứu cho thấy thiếu hụt magiê có liên quan đến việc kiểm soát bệnh tiểu đường kém và hệ miễn dịch yếu hơn. Bạn nên ăn nhiều thực phẩm giàu magiê như hạt bí đỏ, cải bó xôi, đậu đen, bơ, sô cô la đen và chuối...
Chế phẩm đậu nành có lợi cho sức khỏe. Hỗn hợp của gừng và đậu nành tốt cho hệ tuần hoàn, kích thích máu lưu thông khắp cơ thể. Dùng các chế phẩm từ đậu nành hỗ trợ điều trị loét chân do tiểu đường.
Kẽm đẩy nhanh quá trình phục hồi và chữa bệnh, nên được coi là có hiệu quả trong điều trị loét chân do tiểu đường. Thực phẩm giàu kẽm là hạt, quả hạch, sô cô la đen, thịt bò, cải bó xôi, nấm...
Hoàng kỳ là phương thuốc hữu hiệu điều trị loét chân do tiểu đường nhờ củng cố hệ miễn dịch. Áp trực tiếp loại thảo dược này lên da giúp kích thích lưu lượng máu và đẩy nhanh tốc độ chữa bệnh.