"Treo đầu dê, bán thịt chó", đội lốt các thương hiệu xúc xích nổi tiếng để thổi phồng giá nhằm thu lời là "bài ca quen thuộc" của các hàng xúc xích vỉa hè. Người bán đã thu lãi "khủng" nhưng vẫn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Lãi "khủng"
Thời tiết chuyển rét đậm nên món xúc xích nướng, chao mỡ càng "hút" khách. Mặc dù có những cửa hàng sử dụng sản phẩm không phải là hàng chính thống được mua của những thương hiệu nổi tiếng nhưng họ vẫn vô tư "hét" giá tới 15.000 - 17.000 đồng/chiếc. Tại những quầy bán xúc xích nướng, bánh mỳ kẹp thịt kiểu Thổ Nhĩ Kỳ lưu động trên đường phố những ngày rét đậm vừa qua, khá "hút" khách.
Họ trưng biển quảng cáo của thương hiệu xúc xích Đức Việt. Giá bán từ 12.000 - 15.000 đồng/cái nhưng tại vài quầy bán xúc xích lưu động trên phố Xuân Thủy - Cầu Giấy (Hà Nội), hầu hết xúc xích tại đây đã được nướng sẵn, màu sắc sẫm, không phân biệt được xuất xứ. Chủ một quầy úp mở, bật mí: "Gọi là xúc xích Đức Việt cho oai chứ cứ lấy hàng "xịn" để bán thì lấy đâu ra lãi". Tuy nhiên khi PV hỏi thực chất xúc xích đang bán là sản phẩm của nhà sản xuất nào thì chỉ nhận được cái lắc đầu và nụ cười bí hiểm của chủ quầy.
Xúc xích khi đã qua lò nướng hoặc đem rán thì dù là hàng "xịn" hay hàng nhái đều rất khó phân biệt được. Vì thế, hầu hết các quầy xúc xích vỉa hè đều lấy hàng đã qua sơ chế. Khách đến mua, nếu yêu cầu làm nóng, sẽ được chủ quán đảo qua lò nướng nên khó có thể nhận biết được đây là xúc xích của hãng nào và có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm không.
Xúc xích rán bày bán tràn lan tại các vỉa hè với giá "bèo"...
Bình dân nhất là xúc xích được bày bán tại cổng trường học, vỉa hè dọc đường Láng (quận Đống Đa, Hà Nội). Tại những hàng bán bánh khoai, bánh chuối, bánh ngô rán...bao giờ cũng bán kèm món xúc xích quen thuộc. Vì là hàng bán cho học sinh, sinh viên, người lao động ít tiền nên giá thành vì thế cũng "mềm" hơn rất nhiều, chiếc xúc xích chỉ khoảng 5.000 - 7.000 đồng nhưng kích cỡ lại vẫn "chuẩn đét" như xúc xích Đức Việt, ông già Ika...
Chị Lành - một chủ quán trên phố đường Láng cho biết, hàng được nhập từ công ty cổ phần chăn nuôi Việt Nam (CP) nên giá thành rẻ hơn những loại cao cấp. Chị Lành nói giá nhập vào là 5.000 đồng/chiếc còn giá bán từ 7.000 - 8.000 đồng/chiếc, trừ chi phí, người bán lãi từ 2.000 đồng/chiếc trở lên. Khi tôi thắc mắc, tại sao hàng lại không được xuất ra từ bao bì của CP thì chủ hàng này chống chế: "Do khách đông nên phải rã đông từ nhà để chế biến cho nhanh. Vì thế bao bì được lột bỏ hết cho tiện."
Người tiêu dùng thích được lừa?
Được một số người quen mách, chúng tôi tìm đến khu chợ Đồng Xuân (Hà Nội) - "thánh địa" của các loại thực phẩm với đủ mọi mức giá phục vụ khách hàng. Mặc dù tự giới thiệu nhu cầu tìm nguồn hàng để về mở cửa hàng xúc xích nướng nhưng chủ ki ốt số 84I vẫn e dè khi giới thiệu: "Nếu là nhà hàng, khách sạn họ thường lấy hàng của Đức Việt, ông già Ika... nhưng các hàng vỉa hè chỉ nên lấy hàng của CP hay của Hàn Quốc nhưng sản xuất và đóng gói tại Việt Nam". Tuy nhiên, khi chúng tôi ngỏ ý muốn tìm mặt hàng giá thành "mềm" bởi địa điểm bán không đắc địa nên không thể bán với giá thành cao được, chủ ki-ốt này mới chính thức tiếp thị một loại xúc xích của Trung Quốc và không quên quảng cáo thêm: "Khi ăn, không thua gì các loại có thương hiệu, thậm chí mùi vị còn hấp dẫn hơn".
Quan sát mẫu hàng này, chúng tôi thấy, xúc xích được đóng gói không theo quy cách thông thường (10 - 12 chiếc/túi), được đựng trong bịch lớn, nhằng nhịt chữ Trung Quốc, chỉ 2.000 đồng/cái. Tuy nhiên, màu sắc của xúc xích nhợt nhạt hơn, có nhiều chỗ bị nứt để lộ lớp thịt bên trong màu đã ngả vàng. Chủ ki-ốt nhanh nhảu "chữa cháy", đổ cho "lỗi vận chuyển" để người mua yên tâm. Chủ cửa hàng còn bật mí thêm một vài chiêu độc để phù phép cho xúc xích là họ sẽ về và đóng gói lại vào bao bì sản phẩm có uy tín rồi dán kín miệng lại. Nhờ kỹ nghệ "treo đầu dê, bán thịt chó" này, khi bán, chủ hàng cứ "điềm nhiên" thu lãi gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần giá trị thực tế. Nhất là thời điểm này hàng Trung Quốc đang bị tẩy chay thì công nghệ phù phép lại càng phải tinh vi.
Chủ cửa hàng này cho biết thêm, việc ngụy trang này hầu hết các quán xúc xích tại cổng trường học đều áp dụng. "Tại những vỉa hè, bình dân như ở đường Láng, nhiều người biết nhưng vẫn thản nhiên mua về, chế biến, bán cho khách mà người ăn vẫn đông, có thấy ai kêu ca gì đâu" - chủ ki-ốt bán hàng nói.
Theo nguoiduatin