Twitter bắt đầu sử dụng API từ dự án Chống lừa đảo, do chuyên gia Ngô Minh Hiếu sáng lập, để ngăn chặn các link độc hại trên nền tảng.
Cựu hacker Ngô Minh Hiếu, có biệt danh Hieupc, cho biết việc kết hợp này bắt đầu được hai bên triển khai từ giữa tháng 8. Khi người dùng gõ một đường link, nếu liên kết này nằm trong danh sách đen, Twitter sẽ không cho phép đăng, đồng thời hiển thị cảnh báo đến người dùng. Việc này được áp dụng đối với các tweet cũng như phần tin nhắn Direct Message của mạng xã hội.
"Với việc tích hợp API của Chống lừa đảo, Twitter có thể nhận biết được thêm các tên miền xấu độc tại Việt Nam, từ đó ngăn chặn tình các tình huống lừa đảo có thể xảy ra với người dùng Việt Nam trên mạng xã hội", ông Hiếu cho biết.
Một đường link lừa đảo bị chặn trên Twitter.
Theo thống kê trên website dự án, hệ thống hiện đã ghi nhận hơn 8.800 tên miền độc hại, được thu thập bởi đội ngũ chuyên gia an toàn thông tin cũng như từ các báo cáo của cộng đồng và được dự án xác minh trong hơn một năm qua.
Trong số này, hơn 6.000 tên miền, tương đương 70%, được tạo ra với mục đích lừa tiền, 1.700 tên miền (20%) lừa đánh cắp thông tin cá nhân. Ngoài ra, các tên miền khác bị hacker sử dụng để phát tán mã độc hoặc chứa nội dung độc hại, công cụ đánh bạc, mạo danh...
Trước khi tích hợp vào Twitter, API của Chống lừa đảo cũng được tích hợp vào hai trình duyệt lớn là Edge và Opera. Khi người dùng truy cập các đường link xấu, trình duyệt sẽ tự động ngăn chặn, cảnh báo mà người dùng không phải cài thêm bất cứ công cụ nào. Trên Chrome, dịch vụ này có thể được cài đặt dưới dạng tiện ích mở rộng.
Twitter không phải là mạng xã hội phổ biến ở Việt Nam, nhưng số người dùng đang ngày càng tăng. Theo báo cáo của Datareportal đầu năm nay, người dùng Twitter tại Việt Nam là khoảng 2,85 triệu. Thời gian qua, mạng xã hội này được nhiều người Việt sử dụng để tìm hiểu thông tin về các dự án tiền số. Ngoài ra, do quy định kiểm duyệt còn chưa chặt chẽ, Twitter trở thành môi trường được tội phạm mạng tìm đến để phát tán các nội dung độc hại, khiêu dâm...
Mô tả về cơ chế hoạt động của mình, Twitter cho biết họ sử dụng bốn nguồn dữ liệu để phát hiện link lừa đảo. Trong đó, xếp đầu danh sách là các nhà cung cấp từ bên thứ ba, chuyên trách chống thư rác và phần mềm độc hại, như Chống lừa đảo của Việt Nam. Ngoài ra, mạng xã hội này cũng phát hiện đường link xấu độc dựa trên công cụ nội bộ, báo cáo của người dùng hoặc thông tin được chia sẻ từ các đối tác.